Bà Sophia Nguyễn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Cường: KINH DOANH LÀ PHỤNG SỰ XÃ HỘI

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Tài chính – Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Reading, Anh Quốc, bà Sophia Nguyễn hiện đang quản lý danh mục đầu tư đa ngành hơn 200 triệu USD của Tập đoàn Phú Cường, gồm nhiều lĩnh vực như: Nhà ở đô thị, Năng lượng tái tạo, Vận tải du lịch… ở tuổi đời còn rất trẻ. Bà Sophia chia sẻ tầm nhìn chiến lược của tập đoàn trong hành trình phát triển bền vững.

* Thưa bà, trong mục tiêu phát triển bền vững ở 4 lĩnh vực kinh doanh gồm: Nhà ở đô thị, Năng lượng tái tạo, Vận tải du lịch và Chế biến thủy sản, Phú Cường đã đề ra những chiến lược phát triển như thế nào ở hiện tại và tương lai?

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa và nhỏ những năm đầu thập niên 1990 tại Cà Mau, với phương châm hoạt động “Kinh doanh là phụng sự xã hội”, Tập đoàn Phú Cường (PCG) luôn trăn trở và mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế vùng, góp phần giúp ĐBSCL trở thành một khu vực kinh tế sôi động của cả nước, đồng thời tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy PCG mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

Bà Sophia Nguyễn hiện đang quản lý danh mục đầu tư đa ngành hơn 200 triệu USD của TĐ Phú Cường

Đánh dấu cho sự chuyển mình của PCG ở lĩnh vực phát triển đô thị là dự án Khu đô thị (KĐT) lấn biển đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Sau hơn 14 năm xây dựng và phát triển, PCG đã đưa KĐT Phú Cường Kiên Giang trở thành KĐT lấn biển hiện đại và thành công nhất không chỉ tại khu vực ĐBSCL mà trên toàn khu vực miền Nam. Dự án đã được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh là “Dự án đáng sống năm 2020”. Ngoài những giá trị kinh tế mà dự án mang lại, KĐT đã tạo nên môi trường sống kiểu mẫu, thân thiện với môi trường biển cho hơn 16.000 cư dân.

Năm 2016, PCG đặt viên gạch đầu tiên ở mảng Nhà ở xã hội với dự án Chung cư Bộ Công An có quy mô 1.274 căn hộ với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Sự chuyển mình của PCG không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn đảm bảo an sinh xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Bên cạnh đó, PCG còn tập trung vào các giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược quốc gia và quốc tế. Đó cũng chính là tiền đề và mục tiêu phát triển bền vững của PCG. Những năm vừa qua, ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng rõ rệt và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân, hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân mà còn đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia.

Đồng hành với mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự quốc gia, PCG đã đầu tư phát triển mô hình điện gió ngoài khơi tại tỉnh Sóc Trăng. Với tổng công suất 1.400MW, dự án được kỳ vọng sẽ biến Sóc Trăng trở thành nguồn cung cấp năng lượng sạch lớn nhất khu vực ĐBSCL, giảm phát thải, góp phần đảm bảo công tác an ninh năng lượng. Sau khi hoàn thành, dự kiến dự án sẽ cung cấp điện cho hơn 1,6 triệu hộ gia đình trên địa bàn và khu vực ĐBSCL, đồng thời giảm 1,8 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

* Đâu là những thách thức mà PCG đối mặt trong quá trình xanh hóa?

Xanh hóa là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của quốc gia và thế giới. Trong quá trình này, khó khăn và thách thức là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, những khó khăn mà PCG gặp phải là không đáng kể. Trong thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội để chúng tôi vượt lên và bứt phá. Đây cũng chính là cơ hội và bước chuyển mình quan trọng của Tập đoàn, tập trung tạo ra nhiều giá trị và phát triển bền vững hơn.

Bước chuyển này đã mang lại cơ hội mở rộng thị trường đầu tư cho PCG sang lĩnh vực Phát triển đô thị và Năng lượng tái tạo, không chỉ mang lại những giá trị kinh tế mà còn đóng góp và chiến lược và Chương trình Nghị sự chung của quốc gia trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Thông qua việc mở rộng mô hình và qui mô kinh doanh, PCG đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc với các Tập đoàn, nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới trong hai mảng này, tạo tiền đề cho sự hợp tác, phát triển các dự án trọng điểm, tầm cỡ.

Ngoài ra, quá trình xanh hóa đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng trong việc phát triển nguồn lực nội tại sẵn có và luôn cập nhật, làm mới mình để thích ứng với tốc độ phát triển vượt trội của xã hội. Đó cũng chính là giai đoạn mà nguồn lực tại PCG phát triển vượt bậc, không những bắt kịp mà còn tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm và giải pháp bền vững hơn.

* Riêng lĩnh vực Nhà ở đô thị, tại sao Phú Cường Group tập trung vào phân khúc nhà ở thu nhập thấp?

Mỗi doanh nghiệp luôn có những kế hoạch và chiến lược phát triển riêng. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết và thấu hiểu được “có an cư thì mới lạc nghiệp” của người lao động thu nhập thấp và trung bình, PCG chọn phát triển mô hình Nhà ở xã hội để phục vụ và giải quyết nhu cầu hết sức cấp bách này. PCG tiên phong trong việc phát triển dự án Nhà ở xã hội cao tầng mỹ quan, chất lượng và quy mô với giá thành phù hợp với người lao động thu nhập thấp. Minh chứng cho cam kết và quyết tâm của PCG là dự án Chung cư Bộ Công An. Dự án không chỉ là nơi an cư của hơn 3.633 người dân  mà còn tạo ra một cộng đồng dân cư văn minh ngay tại trung tâm thành phố.

COVID-19 tạo ra tác động tiêu cực đến kinh tế từ vĩ mô đến vi mô. Đời sống hàng ngày của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi thu nhập giảm, chất lượng môi trường sống không đảm bảo… Những vấn đề, thách thức về kinh tế – xã hội sau đại dịch càng làm củng cố thêm chiến lược, định hướng của PCG cũng như thúc đẩy việc nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc và phát triển nhanh chóng các dự án Nhà ở xã hội, giúp giải quyết nhu cầu an cư của người lao động cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và mục tiêu phát triển chung của TP. HCM.

Chúng tôi tin rằng chỉ khi đời sống, kinh tế của nhóm đối tượng có thu nhập thấp và trung bình được cải thiện và nâng cao thì kinh tế – xã hội mới có thể phát triển bền vững. Điều này đúng với phương châm “Kinh doanh là phụng sự xã hội” của chúng tôi.

Cảm ơn bà đã chia sẻ!