Từ “gia đình – công ty” tới “công ty – gia đình”

BQTC / chiến lược: 2 trang

Từ “gia đình – công ty” tới “công ty – gia đình”

 

TRẦN NGUYÊN

 

Một tuần đầu tháng năm, một doanh nhân trong câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC nhắn tin: “Vợ chồng anh xong rồi nhen. Anh giao lại cho chị hết, bắt đầu khởi nghiệp tiếp!”. “Xong” – là một cách nói ngắn về việc hoàn tất mọi thủ tục ly hôn…

Câu chuyện mới toanh, của một cặp đôi vừa hạnh phúc, vừa thành công trong trí nhớ của mình, giờ tan mất. Bất giác nhớ lại, bao nhiêu chuyện lục đục vợ chồng, người bình thường thì chia tay là xong, nhưng vợ chồng cùng làm chủ doanh nghiệp, thì quả là mệt mỏi.

Một gia tộc làm kinh doanh, truyền cơ nghiệp lại qua nhiều thế hệ, là đối tượng nghiên cứu của hàng loạt trường đại học trên toàn thế giới. Nhiều gia đình ở Nhật đã truyền đến thế hệ thứ năm, thứ bảy, nhưng nhiều gia đình lại rạn nứt ngay đời đầu tiên, khi vợ chồng ly tán. Hơn ở đâu hết, công ty gia đình tại Việt Nam – vốn chiếm một số lượng khổng lồ – đang phải đối mặt với thách thức “hiện đại hóa công ty gia đình”.

Gia đình – công ty

Tôi thích ngồi xem ông Hai Toản – chủ tiệm cao lầu, có lẽ là xa xưa nhất của Hội An – đứng bếp chính, hai người con trai và con dâu lăng xăng phụ bưng bê, dọn dẹp và rửa chén. Sau hơn chục năm làm thợ phụ, tới giờ, mỗi tháng có hai ngày ông Toản ăn chay, thì hai người con được chia nhau đứng bán chính. Cái tiệm cao lầu này nổi tiếng lắm, một thập niên trước đã xuất hiện rất nhiều trên báo chí trong và ngoài nước, nên giờ khách đông khủng khiếp. Ngồi nhẩm tính, doanh số của cái quán ăn vỉa hè này, nhiều khi ăn đứt các doanh nghiệp có vẻ hoành tráng, và nó được chuẩn bị được truyền lại một cách rất… có tổ chức.

Buổi trưa, có tiệm cơm gà Hội An cũng nức tiếng vô cùng: cơm gà Xí. Chồng tên Xí, vợ cũng tên Xí, và mỗi trưa họ bán khoảng 400 dĩa cơm, khách vòng trong vòng ngoài, xếp hàng chờ đợi. Và trưa nào cũng như trưa nấy, vợ chồng đầu tắt mặt tối, và luôn cãi nhau. Không phải cãi vừa vừa đâu, lần nào cũng cãi như là sẽ không thể nhìn mặt nhau nữa, chỉ vì trật tự bán cơm người này đổ lỗi tại người kia. Xong đến cuối buổi, lại hòa, nhất là khi đếm tiền. Sang hôm sau, đảm bảo thế nào cũng lại tiếp tục cãi…

Với hai trường hợp này, thì họ chưa có công ty, chỉ có chuyện kinh doanh chung với nhau, một cách tự phát, đơn giản là một việc mưu sinh. Nhưng chính từ những hàng quán nhỏ xíu này, có khi, lại là khởi nguồn của một công ty to lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, vào năm 1984, có một lò bánh gia đình tọa lạc trong một con hẻm nhỏ đường 3/2, TP.HCM chủ yếu làm bánh truyền thống. Họ làm bánh bông lan và bánh mì, chủ yếu là bỏ mối cho các quán ăn và chợ… nhờ vào tay nghề khéo, am hiểu khẩu vị người tiêu dùng, tiếng lành đồn xa lò bánh càng ngày đông khách hàng. Thời điểm này lò bánh chỉ vỏn vẹn 4 công nhân. 11 năm sau, họ thành lập doanh nghiệp tư nhân và phát triển 12 chi nhánh. 7 năm tiếp theo, số cửa hàng tăng lên gấp đôi, và thương hiệu Đức Phát nổi lên như một ngôi sao sáng. Để rồi 4 năm sau, vợ chồng chủ thương hiệu này chia tay, người vợ mua lại cái tên của mình với giá 2 triệu USD, người chồng đi gầy dựng một cơ nghiệp khác với cái tên hàm ý bắt đầu lại từ đầu: ABC.

Những quán ăn, tiệm bánh, đột nhiên trở nên giàu có và từ một gia đình làm ăn nuôi nhau qua ngày trở thành một công ty to, phải đối diện với một khủng hoảng lớn mà ít khi nào họ tự vượt qua được, như cách mà ông bà mình thường nói: “Không ai giàu ba họ…”. Đơn giản, là những gia đình – công ty này chưa được chuẩn bị để phải quản trị một cơ nghiệp rộng hơn là phạm vi mái nhà cùng nhau “tát biển Đông”.

Công ty gia đình

Theo một thống kê không chính thức của Viện nghiên cứu kinh tế gia đình của Mỹ (Family Business Institute), dưới 10% doanh nghiệp gia đình thành công trong việc truyền cơ nghiệp đến thế hệ thứ ba. Thực tế mà nói, rất nhiều doanh nghiệp gia đình tại châu Á còn không thể giữ vững và lụi tàn ngay trong thế hệ thứ hai sau khi người khởi nghiệp mất đi hoặc không đủ sức khỏe đứng mũi chịu sào.

Gần đây nhất là câu chuyện chủ tịch của Tập đoàn Samsung Electronics, ông Lee Kun-hee hiện là người giàu nhất Hàn Quốc với tổng tài sản 9,3 tỉ USD. Không chỉ riêng mình Lee Kun-hee, mà toàn bộ anh chị em của ông này cũng giàu không kém, đưa tên tuổi nhà họ Lee góp phần trong danh sách những gia đình giàu nhất châu Á.

Tuy nhiên, ông Lee Kun-hee đang bị chính những người anh chị của mình đưa ra tòa trong một cuộc chiến tranh giành tài sản, với trị giá lên tới hàng trăm triệu USD.

Dù là vì lý do gì đi nữa, mâu thuẫn nội bộ các thành viên trong gia đình sẽ sinh ra bè phái trong công ty, tạo ra môi trường không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Ông Hai Toản – chủ tiệm cao lầu xưa nhất ở Hội An

Trong một cuộc gặp gỡ khác của các thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC, ông Huỳnh Phước Nghĩa – chuyên gia tư vấn cao cấp của công ty GIBC cho rằng, có 7 vấn đề các công ty gia đình cần giải quyết. Đó là: hoạch định đội ngũ kế thừa, sự ảnh hưởng của cái bóng người sáng lập, xung đột trong công ty gia đình, sử dụng nhà quản lý chuyên nghiệp ngoài gia đình, vai trò của nữ giới trong kế thừa – lãnh đạo doanh nghiệp, giá trị công ty và giá trị gia đình, quản trị và kiến tạo doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nghĩa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột như quan hệ cha – con, thế hệ con cháu tranh giành quyền lực, thành viên trong gia đình không cùng mục tiêu, sự can thiệp hoặc rủi ro của người ngoài gia đình. Nguồn gốc của những xung đột này là do sự phân chia trách nhiệm và vai trò không rõ ràng, không công bằng trong hoạch định kế thừa, phân biệt nam – nữ, không minh bạch trong chính sách… Nghiêm trọng nhất của sự xung đột trong các công ty gia đình là xung đột lợi ích giữa các thành viên trong gia đình.

Ông Nghĩa gửi cho đường link của một tạp chí mang tên “Doanh nghiệp gia đình”, xuất bản tại Mỹ. Ở đó, mỗi tuần là hàng loạt những câu chuyện thành công và thất bại, những kinh nghiệm và lời khuyên của những gia tộc thịnh vượng nhất cũng như những cuộc chuyển giao quyền lực thất bại nhất. Xin ghi lại lời khuyên của ông chủ tịch đời thứ 5 của tập đoàn S.C Johnson & Son H. Fisk Johnson được chọn là “trích dẫn hay nhất” thay cho lời kết: “Một trong những mục tiêu chính của tôi là đảm bảo gia đình tự hào về công ty và cảm thấy luôn là một phần của nó.  Thời điểm mà công ty trở thành một khoản đầu tư tài chính của chúng tôi hơn là một nghề gia truyền, chúng tôi cũng hoàn toàn có thể đại chúng hóa công ty để mở rộng nguồn lực điều hành và phát triển. Chúng tôi chỉ là người có trách nhiệm giữ gìn khoản đầu tư này để chuyển từ thế hệ này qua thế hệ khác”.